Tranh giành Hoài Nam Dương_Hành_Mật

Chống Tần Ngạn và Tất Sư Đạc

Năm 887, lo sợ Lã Dụng Chi sẽ giết mình, Tất Sư Đạc tiến hành binh biến vào bao vây quân thành Dương châu của Hoài Nam quân. Lã Dụng Chi lúc này đang bất hòa với Cao Biền, ông ta nhân danh Cao Biền bổ nhiệm Dương Hành Mật là "hành quân tư mã", lệnh đem quân đến cứu viện Dương châu. Dương Hành Mật nghe theo ý của Viên Tập (袁襲), quyết định hành động. Dương Hành Mật tập hợp binh lính Lưu châu, mượn thêm quân của Hòa châu[chú 6] thứ sử Tôn Đoan (孫端), được vài nghìn lính và tiến đến Dương châu. Trước khi Dương Hành Mật đến nơi, do Cao Biền cùng cháu là Cao Kiệt (高傑) chống lại, La Dụng Chi phải chạy khỏi Dương châu, họ gặp nhau ở Thiên Trường[chú 7], cùng với Trương Thần Kiếm (張神劍)- từng một thời là đồng minh của Tất Sư Đạc. (Lúc đó, Tất Sư Đạc nhận được viện binh của Tuyên Thiệp[chú 8] quan sát sứ Tần Ngạn, chiếm được Dương châu.)[7]

Sau đó, Dương Hành Mật dẫn liên quân bao vây Dương châu, Tần Ngạn và Tất Sư Đạc thoạt đầu cố thủ, song các cuộc phản công của họ đều bị Dương Hành Mật đẩy lui, và chịu tổn thất nặng nề. Do bị bao vây, Dương châu cạn nguồn lương thực, người trong thành chịu nạn đói nghiêm trọng và phải ăn thịt đồng loại. (Trong lúc bị bao vây, Tần Ngạn giết Cao Biền, Dương Hành Mật bèn để tang Cao Biền.) Sau vài tháng, Dương Hành Mật vẫn không thể chiếm được thành, do vậy ông tính đến việc triệt thoái, song vào một đêm, cựu thuộc hạ của Lã Dụng Chi là Trương Thẩm Uy (張審威) mở cổng thành cho quân của Dương Hành Mật tiến vào. Tần Ngạn và Tất Sư Đạc chạy trốn, thành Dương châu về tay Dương Hành Mật. Dương Hành Mật xưng là lưu hậu, song giết chết Lã Dụng Chi và một vài người khác mà ông nghi ngờ, bao gồm Trương Thần Kiếm.[7]

Tuy nhiên, vào lúc này, bộ tướng của Tần Tông Quyền là Tôn Nho (孫儒) tiến quân đến gần, mục đích là nhằm tranh giành Hoài Nam (lúc này Tôn Nho hành động độc lập). Tần Ngạn và Tất Sư Đạc hợp binh với Tôn Nho, ngay lập tức tạo ra mối đe dọa với Dương Hành Mật. Viên Tập cho rằng vì quân lính mệt mỏi sau khi phải bao vây thành trong một thời gian dài, còn người dân Dương châu thì phải chịu nạn đói, vì thế Dương Hành Mật không nên đương đầu với Tôn Nho mà nên bỏ thành. Dương Hành Mật chấp thuận, và chuẩn bị di tản trở về Lư châu, song không tiến hành việc này ngay lập tức.

Trong khi đó, triều đình Đường cũng mệt mỏi trước các diễn biến tại Hoài Nam quân, vì thế liền bổ nhiệm Tuyên Vũ[chú 9] tiết độ sứ Chu Toàn Trung kiêm Hoài Nam tiết độ sứ. Chu Toàn Trung tuyên bố cho Dương Hành Mật làm Hoài Nam tiết độ phó sứ, trong khi cho thuộc hạ là Tuyên Vũ hành quân tư mã Lý Phan (李璠) làm Hoài Nam lưu hậu. Chu Toàn Trung khiển nội khách tướng Trương Diên Phạm (張延范) đến Dương châu truyền lệnh của triều đình cho Dương Hành Mật. Thoạt đầu, Dương Hành Mật nghênh tiếp Trương Diên Phạm, song khi biết rằng Chu Toàn Trung khiển Lý Phan đến làm lưu hậu, ông trở nên tức giận; Trương Diên Phạm sợ hãi và chạy trở về Tuyên Vũ. Trong khi đó, trên đường tiến về phía nam nhậm chức, Lý Phan bị Cảm Hóa[chú 10] tiết độ sứ Thì Phổ cho quân phục kích (Thì Phổ tức giận vì không được trao cho Hoài Nam). Trước tình thế bị cả Dương Hành Mật và Thì Phổ chống đối, Chu Toàn Trung từ bỏ kế hoạch tiếp quản Hoài Nam. Sau đó, Chu Toàn Trung tấu với triều đình, tiến cử Dương Hành Mật làm Hoài Nam lưu hậu. Vào mùa xuân năm 888, Tôn Nho (sau khi giết Tần Ngạn cùng Tất Sư Đạc, đoạt lấy binh lính của họ) tiến công Dương châu, dễ dàng chiếm được thành này, Tôn Nho xưng là tiết độ sứ. Dương Hành Mật chạy trốn, và theo ý của Viên Tập, ông trở về Lư châu để chuẩn bị cho các hành động tiếp theo.[7]

Giao chiến với Tôn Nho

Dương Hành Mật cho rằng Tôn Nho cuối cùng cũng sẽ tiến công đến Lư châu, và đến mùa thu năm 888, ông dự tính tiến quân về phía nam để đánh Trấn Nam[chú 11] tiết độ sứ Chung Truyền (鍾傳) nhằm đoạt lấy lãnh thổ của người này. Tuy nhiên, Viện Tập chỉ ra rằng Chung Truyền nắm giữ Trấn Nam trong nhiều năm và có sự chuẩn bị tốt trước một cuộc tiến công; ông ta thuyết phục Dương Hành Mật rằng nên tiến công Tuyên Thiệp quan sát sứ Triệu Hoàng (趙鍠) (được Tần Ngạn bổ nhiệm khi Tần Ngạn rời Tuyên Thiệp đến Hoài Nam). Dương Hành Mật chấp thuận, ông cũng thuyết phục Tôn Đoan và Trương Hùng (張雄)- một tướng độc lập khi đó đang ở Thượng Nguyên[chú 12], tiến công Triệu Hoàng. Đại quân của Triệu Hoàng tập trung vào việc kháng cự lại các cuộc tiến công của Tôn Đoan và Trương Hùng, Dương Hành Mật do vậy có thể dễ dàng vượt Trường Giang rồi bao vây quân thành Tuyên châu (宣州) của Tuyên Thiệp. Khi huynh của Triệu Hoàng là Triệu Càn Chi (趙乾之) suất chúng từ Trì châu[chú 13] đến cứu Triệu Hoàng, Dương Hành Mật khiển Đào Nhã đi đánh, kết quả Triệu Càn Chi chiến bại ở Cửu Hoa, phải chạy đến Trấn Nam.[7]

Năm 889, do Tuyên châu cạn nguồn lương thực, Triệu Hoàng bị thuộc hạ là chỉ huy sứ Chu Tiến Tư (周進思) trục xuất; ông ta cố chạy đến Dương châu, song bị Điền Quân bắt được. Sau khi Dương Hành Mật thượng biểu báo lại diễn biến cho Đường Chiêu Tông, Đường Chiêu Tông hạ chiếu bổ nhiệm Dương Hành Mật làm Tuyên Thiệp quan sát sứ. Trong khi đó, Chu Toàn Trung là bằng hữu cũ của Triệu Hoàng, ông ta phái sứ giả đến thỉnh cầu Dương Hành Mật để Triệu Hoàng đến chỗ mình. Tuy nhiên, Dương Hành Mật nghe theo lời của Viên Tập rằng làm như vậy thì Triệu Hoàng sau này có thể trở thành một mối đe dọa, ông cho xử tử Triệu Hoàng và giao thủ cấp cho sứ giả của Chu Toàn Trung. Trong khi đó, Dương Hành Mật khiển Điền Quân tiến công Thường châu[chú 14], châu này khi đó nằm dưới quyền cai quản của Đỗ Lăng (杜稜)- một thuộc hạ của Tiền Lưu; Điền Quân tập kích và bắt được Đỗ Lăng, đoạt lấy Thường châu. Dương Hành Mật cũng khiển bộ tướng Mã Kính Ngôn (馬敬言) công chiếm Nhuận châu[chú 15], kết quả Mã Kính Ngôn thành công. Sau đó, Đường Chiêu Tông thăng Tuyên Thiệp thành một quân, đổi tên thành Ninh Quốc, bổ nhiệm Dương Hành Mật là Ninh Quốc tiết độ sứ. Dương Hành Mật tiếp tục khiển Lý Hữu (李友) đem quân đi công chiếm Tô châu[chú 16], song sau đó Tôn Nho tiến công và đoạt lấy Tô Châu, giết Lý Hữu; thuộc hạ của Dương Hành Mật là An Nhân Nghĩa (安仁義) sau đó cũng bỏ Nhuận châu, châu này về tay Tôn Nho. Khi Tôn Nho tiến công Lư châu, người trấn thủ là Thái Trù (蔡儔) cũng đầu hàng.[8]

Vào mùa xuân năm 891, Tôn Nho tăng cường tiến công, liên tiếp đánh bại An Nhân Nghĩa và Điền Quân, hướng về Tuyên châu. Theo ghi chép, sĩ khí của quân Dương Hành Mật xuống thấp sau các thất bại, và chỉ hồi phục phần nào sau một vài chiến thắng của Lý Thần Phúc và Đài Mông (台濛). Tôn Nho tiến quân đến Hoàng Trì[chú 17] và đánh bại bộ tướng của Dương Hành Mật là Lưu Uy (劉威) và Chu Diên Thọ (朱延壽). Tuy nhiên, quân của Tôn Nho sau đó chịu ảnh hưởng của lụt lội, khiến ông ta phải triệt thoái về Dương châu. Tuy thế, Tôn Nho vẫn có thể khiển bộ tướng Khang Vưởng (康暀) và An Cảnh Tư (安景思) công chiếm Hòa châu và Trừ châu, song Lý Thần Phúc nhanh chóng tái chiếm được hai châu này.[8]

Sau đó, Dương Hành Mật và Chu Toàn Trung liên minh chống Tôn Nho, Tôn Nho hay tin này thì quyết định sẽ tiêu diệt Dương Hành Mật trước và sau đó tiến công Chu Toàn Trung. Tôn Nho buộc những người trưởng thành bất kể nam nữ ở Dương châu phải cùng ông ta vượt Trường Giang, trong khi sát hại những người già cả hay ốm yếu. (Khi Tôn Nho rời khỏi Dương châu, Dương Hành Mật khiển Trương Huấn và Lý Đức Thành (李德誠) tiến vào Dương châu và đoạt lấy những lương thực còn sót lại trong thành, úy lạo những người thoát khỏi cuộc đồ sát của Tôn Nho.) Tôn Nho sau đó bao vây Dương Hành Mật tại Quảng Đức[chú 18], nhờ Lý Giản (李簡) suất hơn một trăm người lực chiến mà Dương Hành Mật mới có thể thoát thân. Sau đó, Tôn Nho tiến về Tuyên châu, Dương Hành Mật cầu viện Tiền Lưu ở Hàng châu, Tiền Lưu không suất binh song trợ giúp về lương thực cho quân của Dương Hành Mật.[8]

Vào mùa xuân năm 892, chịu sức ép từ đội quân vượt trội về quân số của Tôn Nho, Dương Hành Mật tính đến việc từ bỏ Tuyên châu và triệt thoái đến Đồng Quan[chú 19]. Lưu Uy, Lý Thần Phúc và Đái Hữu Quy (戴友規) liền can gián ông, họ chỉ ra rằng Tôn Nho nghĩ rằng mình có thể nhanh chóng tiêu diệt Dương Hành Mật và vì thế sẽ mang theo lượng lương thực ít ỏi, và Dương Hành Mật chỉ cần từ chối giao chiến với Tôn Nho và khiến quân của Tôn Nho bị hao mòn, thì có thể giành được chiến thắng. Đái Hữu Quy còn thuyết phục Dương Hành Mật đưa những người tị nạn Dương châu đang ở Ninh Quốc trở về Dương châu định cư, mục đích là khiến cho quân của Tôn Nho thấy tiếc Dương châu. Trong khi đó, Trương Huấn và các bộ tướng khác của Dương Hành Mật cũng tái chiếm Thường châu và Nhuận châu. Khi Thì Phổ cũng muốn nhân cơ hội này để nam tiến, Trương Huấn và Lý Đức Thành đẩy lui quân của Thì Phổ, thậm chí còn chiếm được Sở châu[chú 20].[9]

Vào mùa hè năm 892, quân của Tôn Nho kiệt sức đến mức Dương Hành Mật thấy đủ để bắt đầu tiến công, Trương Huấn cắt đứt tuyến đường tiếp tế lương thực cho quân của Tôn Nho. Hơn nữa, quân lính của Tôn Nho chịu cảnh đau ốm, còn Tôn Nho thì mắc bệnh sốt rét. Do nguồn cung lương thực ít ỏi, Tôn Nho khiển các bộ tướng Lưu Kiến Phong (劉建鋒) và Mã Ân đi cướp bóc lương thực ở khu vực xung quanh. Sau khi hay tin Tôn Nho bị ốm, Dương Hành Mật ra đòn cuối cùng với Tôn Nho, kết quả giành được thắng lợi. Điền Quân bắt được Tôn Nho trên chiến trường, sau đó Dương Hành Mật xử tử Tôn Nho, đưa thủ cấp đến trình Đường Chiêu Tông. Hầu hết tướng sĩ của Tôn Nho đầu hàng Dương Hành Mật, song Lưu Kiến Phong và Mã Ân tập hợp một số tàn quân và tiến về phương nam. Sau đó, Dương Hành Mật hành quân mừng thắng lợi đến Dương châu và lại biến nơi này làm trị sở, Điền Quân đóng quân tại Tuyên châu, còn An Nhân Nghĩa đóng quân tại Nhuận châu. Đường Chiêu Tông sau khi nhận được biểu của Dương Hành Mật, hạ chỉ bổ nhiệm Dương Hành Mật là Hoài Nam tiết độ sứ và Đồng bình chương sự, bổ nhiệm Điền Quân là Ninh Quốc lưu hậu, và bổ nhiệm An Nhân Nghĩa là Nhuận châu thứ sử.[9]

Liên quan